Xu thế đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu cũng như biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện chính là động lực thúc đẩy chính phủ chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo. Để có bức tranh toàn cảnh về xu thế đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, phóng viên KinhtePlus đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

https://www.kinhteplus.com.vn/Resources/Blogs/B0499/QTH7Cd/248308/image/666823/-666823.jpg

Ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

PV: Ông có nhận định thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn Năng lượng tái tạo sẵn có của mình. Những nguồn Năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học (KSH), nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt. Theo nhận định của tôi Việt Nam đầu tiên Việt Nam một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, từ 6,5 -7 % hằng năm, kéo theo nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm. Tiếp theo là nơi hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo.Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.

PV: Ông  đánh  giá thế nào về tình hình thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay?

Tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống. Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.

Trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong những. Trong năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI. Hàng tỷ USD được rót vào các dự án điện mặt trời và điện gió cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

 PV: Cụ thể tình hình các loại hình năng lượng tái tạo đang có xu hướng phát triển như thế nào thưa Ông ?

Tôi cho rằng điện mặt trời của Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất.  Công suất điện mặt trời cả nước tăng nhanh từ 86 MW vào năm 2018 lên gần 16.500 MW năm 2020. Điện mặt trời áp mái cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp điện mặt trời lớn nhất.

Lĩnh vực điện gió được xem như ngôi sao mới nổi của ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam. Với 8,6% diện tích đất và nước phù hợp cho các trang trại điện gió lớn, Việt Nam mang lại tiềm năng và những cơ hội đầu tư khổng lồ. Đến cuối tháng 10/2021, có 84 trong 106 dự án điện gió đã được đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 3.980.265 MW.

Điện gió ngoài khơi có tiềm năng thậm chí còn lớn hơn so với điện gió đất liền. Theo báo cáo "Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam" của World Bank, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng từ 1 GW lên đến 5 – 19 GW, trong khi công suất điện gió đất liền có thể tăng từ 1,26 GW lên 17,34 GW.

Tôi cho rằng nếu tiếp tục mở rộng ngành năng lượng tái tạo, thì Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt vị trí cao hơn trên thị trường, thậm chí có thể vượt qua các quốc gia châu Âu về các giải pháp đổi mới và phát triển năng lượng tái tạo.

 https://www.kinhteplus.com.vn/Resources/Blogs/B0499/QTH7Cd/248308/image/666824/-666824.jpg

 Ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu âu tại Việt Nam (EuroCham)

 PV: Ông có thể cho biết thách thức nào đối với các Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam? Và Ông có đề xuất một số giải pháp như thế nào?

     Mặc dù đầu tư nước ngoài đang gia tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng các nhà đầu tư đang gặp phải nhiều trở ngại như: Thiếu vốn tài trợ; Mức chiết khấu thấp cùng với chi phí đầu tư cao vào các công nghệ mới; Thiếu nguồn nhân lực có trình độ; Các ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển; Công suất lưới điện yếu; Các điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) không thanh toán được; Sự chậm trễ trong các dự án lớn do khuôn khổ pháp lý phức tạp; Thiếu rõ ràng về giá năng lượng trong tương lai.

    Về giải pháp vĩ mô, tôi cho rằng: Thứ nhất, Chính phủ cần có chính sách xây dựng Luật Năng lượng tái tạo rõ ràng để phát triển năng lượng sạch. Thứ hai, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ để phát huy được nguồn năng lượng tái tạo. Thứ ba, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Thứ tư, chúng ta cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. 

 PV: Xin cảm ơn Ông !

PV