Tích cực hoàn thiện phương án xử lý dứt điểm Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Vụ Năng lượng, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban); đại diện Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thuỷ (VFC – đơn vị thành viên của SBIC).

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Petrovietnam cho biết: Tháng 7/2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Petrovietnam theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin. Sau khi DQS được bàn giao cho Petrovietnam, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính: đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi. Petrovietnam đã cấp 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để DQS thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đại diện Petrovietnam, hiện nay, Tập đoàn đang nỗ lực khẩn trương làm việc cùng các bên liên quan nhằm thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo tại cuộc họp về phương án xử lý đối với DQS do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương chủ trì vào tháng 10/2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại cuộc họp

Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng của Ủy ban và các Bộ ngành, cơ quan liên quan, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết: Để phương án tái cơ cấu đảm bảo tính khả thi cho Dự án DQS, Petrovietnam và các bên liên quan cần tiếp tục làm rõ, thống nhất xử lý các vấn đề tài chính, trong đó cần tập trung rà soát các cơ chế, quy định về xử lý tài chính liên quan đến các khoản nợ gốc, lãi vay nhằm đề xuất phương án phù hợp trình Ủy ban, đảm bảo tiến độ, theo đúng yêu cầu "tập trung thời gian, hoàn hiện hồ sơ, đề án, trình sớm, để kịp thời gian Thường trực Chính phủ họp, cho ý kiến chỉ đạo" của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ