Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế

Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi thực sự cần thiết vẫn có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng phải tính toán và thực hiện một cách chặt chẽ; chỉ chuyển đổi nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế.

Ngày 29/3, tại Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo.

Kết luận Hội nghị, sau khi ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, cũng như chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu của công tác bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới. Theo đó, năm 2019 phải đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%; bảo đảm tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD; tiếp tục duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp lớn là bảo vệ rừng và thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng.

Đối với nhóm giải pháp bảo vệ rừng, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo Phó Thủ tướng, không nên “cực đoan” cấm tuyệt đối việc chuyển đổi mục đích sử dụng. “Rừng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Do đó, khi thực sự cần thiết vẫn có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng phải tính toán và thực hiện một cách chặt chẽ, chỉ chuyển đổi nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, phải duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hằng ngày, nhất là thông tin điểm cháy để xử lý kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất; ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Trong nhóm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.

“Cơ chế, chính sách phải khuyến khích được người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt là phải chăm lo đến đời sống người dân liên quan đến rừng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số phải được đặc biệt quan tâm”, Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, phải triển khai có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, 4 nghị định, 7 thông tư hướng dẫn thực thi Luật Lâm nghiệp; rà soát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các văn bản hướng dẫn Luật; xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp…

Về tổ chức sản xuất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải coi doanh nghiệp là trung tâm để tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với rừng sản xuất.

Về trồng, chăm sóc rừng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển rừng năm 2019, trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa phương có diện tích trồng rừng lớn; tỷ lệ kiểm soát chất lượng giống thấp.

Yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định; chuẩn bị đủ cây giống đảm bảo chất lượng và hiện trường trồng rừng năm 2019; lựa chọn loài cây trồng phù hợp, trồng đúng thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, lợi ích và hiệu quả chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác bảo vệ rừng…

Đồng thời, giám sát chặt chẽ các dự án bảo vệ và phát triển rừng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ưu tiên kinh phí cho chăm sóc rừng mới trồng, trồng rừng; đẩy mạnh công tác giải ngân tiền trồng rừng thay thế, không để tồn quỹ.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2020; chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản phục vụ xuất khẩu.

Về hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, Phó Thủ tướng yêu cầu duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và EU và phát triển các thị trường mới như Australia, Canada, Ấn Độ, Nga; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế. Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại lâm sản với một số quốc gia có tiềm năng (Australia, Hàn Quốc, Nga) để mở rộng thị trường lâm sản.

Hỗ trợ các hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến lâm sản về thông tin thị trường, các qui định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý chuỗi cung, quản trị chất lượng trong khâu cung ứng và truy xuất nguồn gốc gỗ, phân loại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị chậm nộp, không nộp tiền dịch vụ môi trường rừng. Thu hồi nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục nghiên cứu quy định đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt và nước ngầm; tổ chức nghiên cứu thu dịch vụ môi trường rừng đối với carbon nội địa từ nhà máy nhiệt điện, xi măng, thép..

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                Nguồn:ĐCSVN