Theo văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam, Tập đoàn Xuân Thiện cho biết: Ngày 09/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương 03 dự án đầu tư, bao gồm: Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty Cổ phân Xuân Thiện Nghĩa Hưng (Quyết định số 2186/QĐ-UBND); Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định (Quyết định số 2188/QĐ-UBND) và Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện của Công ty Cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng (Quyết định số 2187/QĐ-UBND) tại địa bàn huyện Nghĩa Hưng.
Các dự án trên là kết quả sự cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND tỉnh Nam Định thực hiện chủ trương điều chỉnh, phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế nội tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
Mục đích là nhằm đến năm 2030, tỉnh Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về công nghiệp trong vùng Đồng bằng Sông Hồng; đến năm 2045, đưa Nam Định trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.
Vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây đã từng được quy hoạch phát triển thuỷ sản tại Quyết định 2896/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể vì lý do mất giá, thị trường bấp bênh, thiên tai, bão lũ hàng năm, chi phí lãi vay cao... Nhiều hộ chỉ cố gắng cầm cự.
Do đó, chính quyền địa phương đã có định hướng cần thay đổi để phát huy tiềm năng kinh tế ven biển của tỉnh, chuyển hướng kêu gọi đầu tư công nghiệp giá trị cao, bền vững. Vì vậy, ngày 20/7/2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực của Quyết định 2896/QĐ-UBND về quy hoạch thuỷ sản.
Đây cũng là các lý do khiến từ năm 2019 tới nay, chính quyền địa phương chỉ ký hợp đồng thuê bãi bồi thời hạn từ 1 đến 2 năm để bà con có thời gian chuẩn bị, chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đã cho triển khai lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Rạng Đông và Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông (sau khi xin ý kiến Bộ Xây dựng), thay thế quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản trước đây, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thu hút các dự án lớn làm tiền đề, làm động lực để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Các dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực này phù hợp với quy hoạch xây dựng Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, thuộc khu vực đất công nghiệp, không sử dụng đất rừng và không làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hiện hữu.
Công ty cũng đã cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện và bảo vệ môi trường. Trước khi xây dựng, dự án sẽ được các Bộ, ngành thẩm định hồ sơ về môi trường mới được triển khai; thẩm định thiết kế cơ sở và công nghệ theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là những dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, giải quyết vấn đề xã hội, việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương cả trong quá trình triển khai xây dựng cũng như sau này khi hình thành Khu kinh tế, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế tư nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Việc đầu tư tổ hợp dự án trên sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nam Định lần thứ XX và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, số 05-NQTU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định; đồng thời là những dự án có vai trò làm tiền đề, tạo cú hích mạnh mẽ để tỉnh Nam Định nhanh chóng hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.
Cần khẳng định rằng, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã và đang được thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Đây là đất của Nhà nước quản lý, chỉ cho người dân thuê ngắn hạn. Hết hợp đồng thuê là nhà nước không cho thuê nữa để tiến hành thu hút đầu tư theo quy hoạch là đúng thẩm quyền.
Đại đa số các hộ dân đều đồng tình và hiểu được chủ trương thu hồi. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng trình tự.
Do đó, có thể thấy công tác tuyên truyền vận động của UBND tỉnh Nam Định nói chung và huyện Nghĩa Hưng nói riêng rất kịp thời.
Cụ thể, ngày 20/7/2020, tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 1645/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực của quy hoạch thủy sản tại tại Quyết định 2896/QĐ-UBND (bản sao gửi kèm theo). Mặc dù vậy, chính quyền địa phương, nhà đầu tư vẫn cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ đơn thư khiếu nại nào liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Hoàn toàn không có việc: “Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân đang nuôi trồng thuỷ sản tại Côn Xanh, xã Nghĩa Lân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có nguy cơ tay trắng, vì phải giao đất cho Dự án 3tỷ USD của Tập đoàn Xuân Thiện” hay “Bao nhiều mồ hôi và tiện đầu tư khai hoang, lấn biển tan thành bọt nước...”.
Các dự án được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư kể trên hoàn toàn phù hợp với quy hoạch xây dựng phía Nam Khu đô thị Rạng Đông, thuộc khu vực đất quy hoạch công nghiệp, không sử dụng đất rừng, không làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hiện hữu.
Hiện nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã và đang phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ dự kiến, quý II/2022 sẽ khởi công xây dựng. Nhà đầu tư cũng đã cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhằm bảo vệ môi trường, trước khi xây dựng dự án sẽ được các Bộ, ngành thẩm định hồ sơ về môi trường, thiết kế cơ sở và công nghệ theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: Phapluatplus.vn