Người đẹp nhân ái Kim Tiến và con đường làm nông nghiệp xanh

doanh-nhan-kim-tien-1-1700214649.jpg
doanh-nhan-kim-tien-2-1700214686.jpg
Doanh nhân Nguyễn Kim Tiến

Tạo lập đường đi

Doanh nhân Kim Tiến là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Kim Tiến. Đồng thời, chị còn là Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An). Chị là một phụ nữ xinh đẹp, tài năng, cá tính, thanh lịch. Chị từng tham gia vài cuộc thi sắc đẹp, nhưng khi trút bỏ xiêm y rực rỡ trên sân khấu, chị trở lại thuần mộc trong những trách nhiệm hàng ngày với một gương mặt hoàn toàn khác. Chị thức khuya dậy sớm chăm sóc đàn lợn, đàn gà, con cá trong trang trại. Thậm chí vào chuồng đỡ đẻ cho con lợn nái đang trở mình sinh nở, với đôi bàn tay khéo léo như một bác sỹ thú y thực thụ. Đây là hai măt đối lập trong con người chị hòa quyện với nhau, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người khác, khi họ có dịp ghé thăm những câu chuyện hàng ngày của chị.

doanh-nhan-kim-tien-3-1700214666.jpg
Người đẹp Nhân ái cuộc thi Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2022

Hai mặt đối lập này đang tồn tại ngay trong con người chị. Một mặt là sự bay bổng, mềm mại của người nghệ sỹ, một á hậu doanh nhân, người đẹp nhân ái và mặt kia là chất lửa, chất mạo hiểm có tính toán và lòng can trường của một nữ doanh nhân thành đạt. Những thứ này tưởng chừng trái ngược nhau, nay đang hội tụ, hòa quyện tạo thành một doanh nhân tài sắc vẹn toàn.

Chị tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1988, sau vài năm làm nghề, chị bước sang một lĩnh vực mới – lĩnh vực kinh doanh. Ban đầu, chị làm kinh doanh thương mại và vận tải, chị gặt hái được nhiều thành công. Sau đó, trăn trở trước tình trạng thực phẩm bẩn, chị trăn trở muốn làm một điều gì đó nhằm thay đổi thực trạng này. Năm 2006, chị bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất chăn nuôi, thu hẹp dần các mảng kinh doanh khác. Với diện tích 06 ha đất, chị bắt đầu con đường làm nông nghiệp xanh. Đơn vị của chị chuyên nuôi lợn siêu nạc, lợn rừng, các loại gà chăn nuôi theo hình thức tự nhiên, xanh, sạch, an toàn. Đặc biệt, chị còn cho lợn uống nước trà theo phương pháp chăn nuôi của Nhật Bản và trồng nhiều loại cây trồng khác như bưởi da xanh, chuối...

Mặc dù, sản xuất kinh doanh nông nghiệp là điều không hề dễ dàng nhưng đây là con đường mà chị lựa chọn. Trên thực tế, nếu là nghệ sỹ khi làm kinh doanh, họ thường tìm một công việc phù hợp với sự mềm mại của mình trong các lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, kinh doanh mỹ phẩm... Nhưng chị lại thích làm nông nghiệp theo mô hình VAC (Vườn, ao, chuồng). Các hoạt động này nếu dừng ở qui mô nhỏ của kinh tế hộ gia đình sẽ tương đối dễ. Nhưng khi phát triển thành doanh nghiệp, trở thành một phần của nền kinh tế địa phương thì đây là một câu chuyện hoàn toàn khác!.

Bước vào làm nông nghiệp khi không được đào tạo quản trị kinh doanh, không có kiến thức chuyên môn trong ngành chăn nuôi, điều này gây không ít khó khăn cho chị khi mới bắt đầu. Kinh doanh nông nghiệp lại đối mặt với vô vàn rủi ro, nhưng khi đó chị đã quyết tâm làm bằng được. Và một khi chị đã quyết tâm rồi thì không ai cản bước được. Quyết liệt vốn là bản tính xưa nay của chị. Có điều, khi đó chị chưa hiểu được rằng, nhiệt huyết với nghề không thôi thì chưa đủ. Thành công trong ngành cần hội tụ nhiều yếu tố khác. Và khi chưa hội tụ các yếu tố cần và đủ thì thất bại là điều đương nhiên!

Hồi tưởng lại hành trình lập nghiệp của mình, chị kể, khi đó chị va phải một thực tế khốc liệt nhất cuộc đời. Mặc dù, rất nhiệt huyết và toàn tâm toàn ý cho công việc, nhưng mọi thứ lại đi theo hướng khác, khác với những toan tính ban đầu của chị. Các con vật nuôi đổ bệnh và chết hàng loạt. Khi dịch H5N1 kéo tới hàng vạn con gà lăn quay ra chết chỉ trong vài ngày khiến chị mất ăn, mất ngủ, hoảng loạn tinh thần. Chưa dừng lại ở đó, có ngày ra ao, chị thấy cá chết trắng cả một mặt nước. Chị suy sụp và thất vọng vô cùng. Loay hoay để dọn dẹp mớ hỗn độn ấy mất một thời gian, nhưng chị không phép mình đầu hàng số phận. Sốc lại tinh thần, chị tìm mọi cách thoát khỏi bế tắc.

Hồi tưởng quãng thời gian khó khăn đó, chị tâm sự, chị rất thấm thía một việc là có nhiệt huyết, niềm tin, tình yêu với nghề không thôi là chưa đủ. Cần phải có kiến thức mới có thể trụ lại lâu dài với nghề. Chị quyết tâm tìm ra con đường thoát khỏi các khó khăn này. Chị bắt đầu lùng sục, tham khảo các nguồn tài liệu ở khắp nơi. Gặp gỡ các cán bộ, chuyên gia chăn nuôi để xin ý kiến tham khảo. Và rồi chị biết có một doanh nhân ở Đà Nẵng đang nuôi lợn rừng. Trực giác mách bảo chị, đây có thể là hướng đi mới phù hợp.

Chị bay vào Đà Nẵng và ở lại đó trong vòng 10 ngày. Nghe họ chia sẻ cách chăm sóc đàn lợn rừng, tiếp cận công việc theo hướng mới. Chị mua giống về thử nuôi tại trang trại của mình, sau đó nhân rộng đàn lợn. Lợn rừng giống thường có giá rất cao, giá một con lợn giống lên đến vài triệu đồng. Vì thế, việc gây đàn trong khi nguồn lực có hạn là việc rất khó khăn. Thế nhưng, chị kiên trì làm từng bước một. Cứ có bao nhiêu thì dồn lại làm bấy nhiêu, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Trong quá trình làm việc, chị tìm cách lai tạo lợn rừng với lợn giống bản địa nổi tiếng trong nước - Đó là lợn móng cái Quảng Ninh. Và cứ như thế, chị tìm cách nhân đàn, phối hợp nhiều thế hệ F1, F2, F3, F4 và lần tìm ra phương cách tối ưu nhất cho việc phối giống hiệu quả. Đàn lợn thịt cứ như vậy mà được mở rộng dần. Các lứa lợn sau, ngày càng nâng cao chất lượng hơn lứa trước. Thịt lợn cung cấp ra thị trường được người dùng chấp nhận, đánh giá cao, khen ngon, phù hợp với thị hiếu của số đông nhiều người.

nuoi-lon-rung-1700214943.jpg
Lợn rừng phối giống lợn Quảng Ninh tại trang trại của Công ty
nuoi-lon-nac-1700214965.jpg
Chuồng lợn nái siêu nạc của đơn vị (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Chị đã tìm ra công thức đáp ứng được với nhu cầu tiêu thụ của nhiều đối tượng khách hàng. Đồng thời, tạo lập một hướng đi mới ổn định, hiệu quả. Hiện, chuồng nuôi của đơn vị lúc nào cũng duy trì đàn lợn rừng giống có 200 con nái bà và hàng ngàn lợn thịt. Đồng thời, chị cũng nuôi khoảng 500 con gà ai cập, gà sao, gà thả đồi và một số vật nuôi khác với số lượng còn hạn chế, bởi đang trong quá trình thử nghiệm, chưa nhân rộng đàn. Ngoài cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm thịt tươi chất lượng cao, chị đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm khác như: Giò lợn, chả cuốn, ruốc bông... Đặc biệt, vào ngày 15/11 vừa qua, đơn vị có 03 sản phẩm gồm: Giò lụa thịt heo sạch, chả cuốn thịt heo sạch và ruốc bông thăn nõn được chứng nhận OCOP 3 sao với số điểm rất cao. Sản phẩm được bán ở các cửa hàng thực phẩm của các đối tác và của công ty tự mở ra.

ao-nuoi-ca-1700214860.jpg
Ao nuôi cá và nuôi bèo để chăn nuôi gia súc, gia cầm của đơn vị

Ngoài ra, chị còn chuyển giao lợn giống cho bà con nông dân quanh vùng nhằm gây đàn mở rộng; tạo vùng chăn nuôi nguyên liệu vệ tinh cho đơn vị ở những tháng cao điểm trong năm. Bên cạnh đó, công ty của chị còn có thêm nguồn thu khác rất ổn định như nguồn lợi từ bán bưởi da xanh. Đây là thành của sau nhiều năm chị phát triển mô hình vườn bưởi chất lượng cao. Giống bưởi được chị mang về từ các tỉnh phía Nam nhưng lại rất phù hợp với vùng đất đồi nơi đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, tổng doanh thu tất các hoạt động kinh doanh của công ty chị dao động từ 20-25 tỷ đồng/năm. Tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương có thu nhập từ 8 – 15 triệu đồng người/tháng. Đồng thời, giúp cho hàng trăm người khác có công việc và thu nhập từ các hoạt động phụ trợ khác của đơn vị. Chị trở thành “người thuyền trưởng” tài ba, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại chỗ cho sự phát triển của đơn vị. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống chuồng trại theo hướng thông minh, xanh, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.

Tâm huyết với sản xuất nông nghiệp xanh

Nghe chị kể quá trình lập nghiệp của mình, mới thấy sức làm việc của chị thật đáng nể. Chị làm đủ các thứ việc để giữ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đi đúng hướng. Chị cho biết, dù không phải là người quá mạnh trong các hoạt động cơ bắp và thấy mệt mỏi do công việc quá nhiều. Nhưng tinh thần, nhiệt huyết và lửa nghề của chị chưa bao giờ tắt. “Ngọn lửa nhiệt huyết” trong chị luôn cháy ngùn ngụt như những ngày đầu khởi nghiệp.

Được biết, bí quyết thành công của chị đến từ thực tế luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, chăm chỉ làm việc và nỗ lực trau dồi chuyên môn. Nhận thấy còn thiếu cái gì chị sẽ nỗ lực tự học nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt ấy. Chị miệt mài tìm thầy, tìm tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức và thực hành để rút ra kinh nghiệm. Cái gì làm được, làm có lợi cho mình và cho cộng đồng thì tìm cách áp dụng liền. Làm từ thực tế và rút ra các bài học thực tiễn để làm tốt hơn ở những lần sau.

Có hai nguyên tắc nổi bật trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của chị là làm những thứ thực sự có hiệu quả và đi theo đường hướng khác biệt, không làm theo phong trào và không đi theo số đông. Chị cũng là người có khả năng tiên đoán và tìm kiếm đường hướng mới với khả năng phán đoán chính xác, giống y như là có giác quan thứ sáu vậy. Bằng chứng là việc phát triển đàn lợn rừng trong những năm qua.

Doanh nghiệp của chị phát triển đàn lợn thịt siêu nạc, lợn rừng theo phương pháp xanh, tức là ăn những thứ thuần tự nhiên như: bèo, chuối, bã đậu, ngô hay nguồn cám sạch ngay tại địa phương. Đây là lối đi đúng hướng và hiệu quả. Thịt lợn rừng thường được bán với giá 120 ngàn – 150 ngàn/kí hơi, các lợn siêu nạc khác cũng rất hút khách. Nên ngay trong thời kỳ giá thịt lợn lao dốc, thấp đến mức kỉ lục, nhiều trang trại khác rã đám, vỡ đàn, vì kinh doanh giảm sút. Nhưng với hướng đi khác biệt của mình, đơn vị của chị vẫn đứng vững, phát triển ổn định. Đặc biệt, chị luôn tìm tòi, áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiến bộ như cho lợn uống nước chè xanh theo phương pháp chăn nuôi Nhật Bản; kéo dài thời gian nuôi hơn vài tháng so với người nuôi thông thường khác khiến thịt lơn ngon hơn, thơm hơn. Dù vậy, giá thịt lợn của đơn vị cung cấp ra thị trường vẫn giữ ở mức bình thường, không tăng giá cao.

Trong sản xuất, chị cũng luôn biết tận dụng triệt để mô hình VAC, sao cho thật sự hiệu quả. Đến nay, trang trại của chị còn nuôi các con vật khác như: gà, bò, chim, cá, tùy theo từng giai đoạn mà phát triển, ra đàn cho phù hợp. Mặt khác, chị trồng các loại cây ăn trái, trồng cỏ, chuối, dứa... Đào ao thả cá, nuôi bèo làm nguồn thức ăn cho lợn. Chị tận dụng bèo làm phân hữu cơ cho các loại cây trồng, tích cực trồng chuối, cây thuốc chuối quanh trang trại để làm thức ăn thảo dược cho gia súc, gia cầm.

Chị tâm sự, chị đang tính đến sẽ sản xuất viên nén thức ăn chăn nuôi. Hoặc xin thêm đất nhằm mở rộng vườn chuối, lấy trái xanh xay bột chuối cho lợn ăn. Hoạt động này có thể tiết kiệm được nhiều tiền cám, giảm các loại thức ăn công nghiệp. Đồng thời tăng thức ăn thuần tự nhiên cho đàn lợn được luôn khỏe mạnh. Chất lượng lợn thịt vì thế cũng sẽ được đảm bảo, nâng cao ngay từ đầu vào. Bên cạnh đó, chị cũng đầu tư vào hệ thống chuồng trại, áp dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất. Trang trại lợn của chị là trang trại đầu tiên của tỉnh Nghệ An được cấp chứng chỉ VietGap.

Ngoài chăn nuôi lợn thịt, chị còn trồng giống bưởi da xanh. Bưởi da xanh được chọn lọc giống kỹ càng nên sau nhiều năm vườn bưởi vẫn cho ra nhiều trái. Trái lại đẹp và ngon nên được khách hàng rất ưa chuộng. Thông thường, trang trại của chị cung cấp cho thị trường khoảng 25 tấn bưởi da xanh/năm. Các ao nuôi cá cũng cung cấp ra thị trường từ 20 - 30 tấn cá/năm. Giúp cho đơn vị có thêm các nguồn thu nhập khác, ngoài chăn nuôi lợn. Với vườn cây, chị trang bị hệ thống tưới nước tự động. Ban đầu là tưới nước tự động xoay tròn. Sau này, chị thay toàn bộ bằng hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, tiến bộ hơn. Giúp cây trái trong vườn xanh tốt quanh năm, ngay cả trong thời kỳ nóng nực nhất.

vuon-buoi-da-xanh-1700215115.jpg
Doanh nhân Kim Tiến bên vườn bưởi da xanh chất lượng cao của Công ty

Ngoài ra, chị cũng cho xây dựng hầm biogas để tận dụng nguồn phân lợn của trang trại. Qua đó, chạy máy phát điện sử dụng cho việc đun nấu thức ăn và sưởi ấm cho lợn vào mùa đông, nâng cao sản lượng điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Chưa hết, chị còn tính tới việc nuôi giun quế bằng phân lợn. Sản phẩm ra đời là phân sạch hữu cơ bón cho các loại cây trồng. Giảm thiểu tối đa rác thải trong quá trình chăn nuôi. Tạo nên vòng tuần hoàn cho các sản phẩm thải loại, hữu ích và tốt cho môi trường.

Vào những tháng cuối năm, chị đang tất bật tiến hành làm dự án nuôi cá lồng đầu tiên tại thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Đây là dự án nuôi cá sạch trên mặt hồ Cao Trai theo phương pháp công nghệ cao của Nhật Bản. Dự án nhận được sự hỗ trợ của địa phương, có vốn đối ứng của doanh nghiệp. Quy mô khoảng 20 lồng nuôi thử nghiệm đầu tiên trên diện tích 17 ha mặt nước hồ. Nếu thành công sẽ mở ra một hướng đi mới cho nông dân và tận dung cảnh quan thiên nhiên trong lành để làm du lịch sinh thái. Phát huy tiềm năng của chính mình

Ngoài chăm chỉ làm việc, tạo dựng sự nghiệp, doanh nhân Kim Tiến còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương. Nhiều người cảm ơn chị, vì đã mang lại cho họ công việc nâng cao mức sống gia đình. Nhiều người khác cảm ơn chị vì từng nhận nhiều món quà tình thương mà chị và đơn vị đã trao đi trong nhiều dịp từ thiện khác nhau.

Đặc biệt, sau dịch Covid-19, chị đã hỗ trợ nông dân lợn giống với giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá thị trường giúp bà con nông dân nhanh chóng ổn định sản xuất. Việc này của chị theo triết lý câu chuyện “Người trồng bắp”. Chị kể, có một người trồng bắp thường chiếm được các giải cao nhất trong các kỳ hội chợ địa phương. Ông có một thói quen, cuối mùa thường tặng hạt giống cho những người hàng xóm. Khi người khác hỏi ông, vì sao làm vậy. Ông lý giải những người hàng xóm của ông phải trồng loại giống tốt nhất vì gió đem theo phấn bay đi khắp nơi. Nếu người hàng xóm của ông trồng giống chất lượng kém, ông cũng bị ảnh hưởng. Chị áp dụng bài học này vào việc kinh doanh, tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, cùng nhau phát triển. Tức là khi có một cộng đồng kinh doanh nhỏ quần tụ cùng nhau, cùng làm, họ sẽ cùng bảo vệ danh tiếng thương hiệu của chính mình.

Câu chuyện của chị tuy có giống câu chuyện trên, nhưng vẫn có sự khác biệt. Nó không đơn thuần là kinh doanh hiệu quả cùng nhau. Nó còn xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, sự sẻ chia, đùm bọc của một tấm lòng nhân hậu, bao dung, luôn biết quan tâm và yêu thương người khác. Chị là kiểu người, nếu có thể làm được việc gì trong sức lực của mình để giúp được người khác, chị sẽ làm ngay. Chị đã và đang tham gia rất nhiều các buổi từ thiện lớn nhỏ khác nhau tại địa phương như một phần trách nhiệm của mình trong đời sống.

Hằng năm, chị cũng tham gia và đóng góp hàng trăm suất quà để trao tặng tại nhiều chương trình và các hoạt động thiện nguyện như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xuân ấm tình người” do các cấp chính quyền huyện, thị xã tổ chức. Tham gia bảo trợ học sinh nghèo vượt khó, đóng góp cho hội người mù, các thương bệnh binh, nạn nhân chất độc màu da cam...

Đơn vị của chị cũng đang cùng với hội doanh nghiệp gây Quỹ “bát cháo tình thương” phục vụ bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc, Nghệ An. Và vô vàn các cuộc từ thiện lớn nhỏ khác nhau mà chị không thể nào nhớ hết. Có tới đâu là làm tới đó, làm theo sức lực của mình. Ở thời kỳ có bão lũ, thiên tai xảy ra, chị trực tiếp đi trao quà, động viên người dân. Trao tặng hàng nghìn thùng mỳ tôm, gạo nước và nhiều nhu yếu phẩm khác giúp đỡ người hoạn nạn. Phải nói, chị là người tham gia công tác từ thiện sôi nổi nhất ở Thái Hòa hiện nay.

Giờ đây, khi đã có một cơ ngơi đáng tự hào, các hoạt động kinh doanh cũng đã ổn định, chị hoàn toàn có thể cho phép mình nghỉ ngơi. Nhưng chị nói, còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ, mình có thể làm được, tại sao lại không làm?. Chị muốn làm để có thêm khả năng có thể giúp đỡ thêm được nhiều người khác. Chị vẫn muốn làm các hoạt động từ thiện này tới khi không còn sức lực nữa mới thôi, còn sức lực là vẫn còn làm!

Ngoài tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, chị còn tham gia các cuộc thi sắc đẹp dành cho giới nữ doanh nhân. Chị tham gia 02 cuộc thi và đều đạt giải. Năm 2022, tham gia cuộc thi Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam, đạt 02 danh hiệu “Người đẹp nhân ái” và “Người đẹp áo dài”. Đặc biệt vào năm 2021, chị đã đăng quang Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu ảnh Quý bà thanh lịch Việt Nam.

Sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia các hoạt động từ thiện sôi nổi, vì thế chị có được sự tín nhiệm của nhiều người. Hiện, chị là Chủ tịch Hội phụ nữ thanh lịch Nghệ An, Ủy viên ban chấp hành Hội trang tại làng nghề tỉnh Nghệ An, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ kinh doanh giỏi Nghệ An. Trong Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 vừa qua, chị cũng là một trong 100 nông dân xuất sắc. Chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trung ương và địa phương. Nhiều năm nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Nhìn lại những thành công và con đường đi của chị mới thấy, chị đã rất nỗ lực, rất cố gắng. Từ tay ngang trở thành nhà quản trị, một doanh nhân giỏi; Nỗ lực trau dồi bản thân để phát triển nhiều phẩm tính tốt đẹp. Trở thành một doanh nhân xinh đẹp, tài năng, có khí chất và có tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Ngoài ra, chị còn là người rất biết cách sống. Chị đang sống một cuộc đời đẹp nhất có thể, dũng cảm làm những điều mình thích - Một cuộc đời đầy mầu sắc và thú vị. Sau này khi đã tuổi cao sức yếu, không còn sức lực nữa, chị có thể tự hào rằng, chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, không còn bất cứ điều gì phải tiếc nuối nữa!

Nguồn:Nguonluc.com.vn