Theo Reuters, các nghị sĩ Mỹ nỗ lực thúc đẩy thông qua các dự luật nhằm đổi tên "Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc" (TECRO) ở thủ đô Washington thành "Văn phòng đại diện Đài Loan".
Dự luật hối thúc Ngoại trưởng Mỹ "tìm cách tham gia đàm phán" với TECRO để đổi tên thành "Văn phòng Đại diện Đài Loan".
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã ủng hộ dự luật này tại Thượng viện. Trong khi đó, nghị sĩ John Curtis của đảng Cộng hòa và Chris Pappas của đảng Dân chủ đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật này tại Hạ viện.
Theo nghị sĩ Menendez, các dự luật phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan xác định mối quan hệ không chính thức của Mỹ với hòn đảo và thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan "để xác định tương lai của chính mình".
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa có tuyên bố gì về vấn đề này.
Nhưng nếu việc đổi tên thành hiện thực, đây sẽ là bước đi mang tính biểu tượng nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và đảo Đài Loan kể từ khi cả hai cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Động thái này chắc chắn sẽ gây rạn nứt mới trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên kể từ khi Washington tìm cách đẩy lùi những gì họ xem là "sự ép buộc kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh".
Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng là quốc gia hỗ trợ lớn nhất của hòn đảo này.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt và phản đối bất kỳ đề cập quốc tế nào về Đài Loan.
Gần đây, Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và thúc ép các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với nước này sau khi Đài Loan mở văn phòng tại thủ đô Vilnius vào năm ngoái với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania".
Nguồn: Phapluatplus.vn