Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa được công bố, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại giảm tới 19%, qua đó giúp Công ty mang về 488 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 177% so với cùng kỳ. HAGL cho biết lợi nhuận gộp tăng mạnh chủ yếu là nhờ hoạt động xuất khẩu chuối tăng.
Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2024, HAGL sẽ có năm thứ ba liên tiếp cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng, tiến sát việc xoá lỗ luỹ kế. |
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 25%, xuống còn gần 90 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm mạnh 55% về mức 165 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay với hơn 160 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý đều tăng, lần lượt ở mức 87 tỷ đồng và 50,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 89% và 10% so với cùng kỳ 2023.
Trong quý 2/2024, HAGL không còn có lãi từ giao dịch mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven như trong cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận gộp tăng và chi phí tài chính giảm, theo đó sau khi trừ thuế và phí, HAGL vẫn ghi nhận lãi sau thuế 281 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm đến hết quý 2, HAGL mang về 2.759 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 32% lên mức 507 tỷ đồng.
Trong năm 2024, HAGL lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu ở mức 7.750 tỷ đồng, tăng 20 và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 1.320 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả thực hiện được năm 2023.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, HAGL đã thực hiện được 36% chỉ tiêu về doanh thu và hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2024, HAGL sẽ có năm thứ ba liên tiếp cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng, tiến sát việc xoá lỗ luỹ kế.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi tháng 5 năm nay, ông Đoàn Nguyễn Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HAGL cho biết, lỗ lũy kế là ám ảnh và cũng là nỗ lực rất lớn của bản thân ông. Vì lỗ luỹ kế mà HAGL bị kiểm toán cảnh báo liên tục mấy năm nay. Lỗ luỹ kế cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HAG hiện vẫn nằm trong diện cảnh báo.
Về tình hình đầu tư các dự án, HAGL tập trung vào chăn nuôi heo và trồng chuối, sầu riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, HAGL đã tăng diện tích sầu riêng từ 1.500 ha lên 1.947 ha, tức tăng thêm 447 ha; diện tích chuối giữ nguyên ở mức 7.000 ha.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của HAGL đạt 21.560 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, các khoản chiếm tỷ trọng lớn là 9.342 tỷ đồng phải thu, 5.601 tỷ đồng tài sản cố định và 4.962 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Riêng phải thu về cho vay của HAGL Agrico và đơn vị liên quan nhóm này là 1.120 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty ở mức 13.127 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ đang ở mức hơn 7.000 tỷ đồng, giảm gần 900 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn trong tổng nợ là nợ trái phiếu tại BIDV và công ty chứng khoán của ngân hàng này với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Với các khoản vay tại ngân hàng, HAGL giảm vay nợ tại TPBank và Sacombank, ngược lại tăng khoản vay tại LPBank từ 750 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.500 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý 2 của HAGL đang ở mức gần 8.433 tỷ đồng. Công ty vẫn đang lỗ lũy kế sau thuế ở mức gần 904 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 10h15 phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu HAG đang được giao dịch ở mức 12.500 đồng/cp, giảm 7,4% so với thời điểm hồi đầu năm.
Nguồn: Kinh tế chứng khoán