Ngoài chế biến muối công nghiệp, bà Trần Thị Bình còn tạo ra nhiều sản phẩm khác như muối nhạt, muối mát-xa, dược liệu, muối tiêu, ô-mai.
Bà Trần Thị Bình theo nghề làm muối từ năm 1976. Năm 1993, bà được được bổ nhiệm làm giám đốc một công ty muối tại địa phương. Gắn bó nhiều năm với nghề, bà hiểu rõ giá trị của hạt muối và nỗi nhọc nhằn của người dân làm nghề. Bà mong muốn tạo ra những hạt muối sạch, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng trong nước và nâng tầm giá trị của hạt muối quê hương.
"Trước kia, Nam Định cung ứng khoảng 150.000 - 170.000 tấn muối mỗi năm. Nhưng cách làm thủ công nặng nhọc, giá bán thấp, không cạnh tranh được với muối biển mặn từ vùng miền khác, người dân dần bỏ nghề. Đến nay, cả vùng chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn mỗi năm", bà Bình chia sẻ.
Bà Trần Thị Bình. Ảnh: Bizmedia.
Hạt muối Nam Định từ xưa đã được dùng phổ biến như làm nước súc miệng hàng ngày, dùng để ngâm chân chữa viêm da, mẩn ngứa... Thậm chí, một số người bị đau khớp, đau xương mỗi khi trái gió trở trời cũng lấy nước muối ngâm chân cho đỡ.
Từ những bài thuốc dân gian này, bà Bình nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu sâu hơn để tìm ra lợi ích khác của hạt muối quê và tạo nên những sản phẩm chuyên dụng. "Mọi người mới chỉ biết đến công dụng của muối ăn mà không biết muối là dược liệu quý của biển, ta chưa thể khai thác hết", bà nói.
Mất 5 năm nghiên cứu, đến năm 2015, sản phẩm muối nhạt đầu tiên mang thương hiệu Royal mà bà Bình ấp ủ mới được đưa ra thị trường. Muối nhạt có tỷ lệ muối natri thấp hơn 30% muối thường. Muối natri là loại muối được khuyến cáo nên giảm tỷ lệ trong bữa ăn hàng ngày.
Để làm ra muối nhạt, muối thô đưa từ biển về cần đi qua nhiều công đoạn xử lý bằng công nghệ tách muối natri, tăng các loại muối magie, kali, canxi tự nhiên trong suốt 2 ngày. Sản phẩm muối nhạt mà bà Bình sáng tạo được đóng gói nhỏ 200gr, với giá bán 20.000 đồng.
Bà Bình khẳng định: "So sánh với các loại muối thường, muối nhạt cao cấp hơn, nhưng so với những sản phẩm gia vị dinh dưỡng nội trợ hàng ngày, chúng lại không quá chênh lệch. Đây cũng chính là giá trị mà hạt muối đem lại".
Người làm muối Nam Định. Ảnh: Bizmedia.
Bà Bình cũng cho biết, vừa qua, khi đàm phán làm việc với khách hàng Nhật, ngoài kiểm tra test mẫu sản phẩm, họ còn sang tận nơi, xem kỹ từ quy trình làm muối trên ruộng, tới quy trình xử lý ở nhà máy rồi mới đồng ý ký hợp đồng đặt hàng. Đến nay, đa phần các loại muối nhạt được xuất sang Nhật, còn lại các loại muối khác như muối mát-xa, muối dược liệu chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Tổng sản lượng các loại muối cao cấp chỉ khoảng 2.000 tấn mỗi năm. Lượng muối công ty thu mua hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 30% sản lượng muối tại địa phương.
Năm 2018, bà Bình giới thiệu thêm các dòng sản phẩm mới là muối tiêu, muối ô-mai ra thị trường, từ đó, nâng giá trị cho hạt muối thô của Nam Định và từng bước thuyết phục thói quen các sản phẩm muối sạch, chất lượng cao của người tiêu dùng.