Các chuyên gia cho rằng, nếu bạn là trụ cột gia đình thì nên để dành khoản dự phòng đủ chi tiêu từ 3-6 tháng.
Chuyên gia tài chính David Bach - đồng sáng lập Công ty Quản lý Tài sản AE nói rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng nằm trong tính toán và kế hoạch. Một ngày, bạn có thể thất nghiệp, đau ốm hoặc đối diện với một cuộc suy thoái. Đó là lý do bất kỳ ai cũng cần tới một khoản dự phòng tài chính.
Khi đó, khoản dự phòng sẽ cứu bạn khỏi những biến cố bất ngờ, tránh xa các khoản vay lãi cao, tiêu lẹm thẻ tín dụng hay cầu cứu khắp nơi.
Vậy, bao nhiêu là đủ cho một khoản dự phòng? Các chuyên gia cho rằng, nếu bạn là trụ cột gia đình thì nên để dành khoản dự phòng đủ chi tiêu trong vòng 3-6 tháng. Cũng không cần thiết phải để ra một khoản quá lớn vì bạn có thể dành số tiền thừa đó cho mục đích tiết kiệm khác hay đầu tư.
Giao dịch tiền tại một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú.
Mặc dù khoản tiền này dường như là số tiền không nhỏ với nhiều người, nhưng hãy làm phép toán đơn giản. Giả sử, chi tiêu mỗi tháng của bạn hoặc gia đình từ 10 đến 20 triệu đồng và bạn quyết định dự phòng số tiền chi tiêu tương ứng với ba tháng là 30-60 triệu đồng. Nếu quyết tâm để dành trong một năm, mỗi ngày bạn cần để dành từ 80.000-160.000 đồng. Nếu không, bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm dài hơi hơn và chia nhỏ số tiền có thể cất ra mỗi ngày.
Có một điều, hãy chắc chắn số tiền đó để dành với mục đích dự phòng và chỉ dùng trong lúc bí bách, đồng thời không đụng đến kể cả khi bạn cần tiền cho mua sắm lớn, mua nhà hay đầu tư...
Bạn có thể tạo một mục tiêu tiết kiệm có tên "dự phòng tài chính" và đặt lệnh trích tự động hàng tháng. Đặc biệt, các ngân hàng luôn trả lãi cao hơn 0,1-0,3% so với khi bạn gửi tiền trực tiếp tại chi nhánh.
Hoặc nếu có ngay một khoản tiền, bạn có thể mua vàng vì loại tài sản này có tính thanh khoản cao gần như ngang với gửi tiền và có thể bán lúc cần. Tuy nhiên, hãy chọn thời điểm mua khi giá thấp để tránh bị lỗ khi bán ra không đúng lúc.
Quỳnh Trang