Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc làm việc (Ảnh: VGP) |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ của các doanh nghiệp Nhà nước đặt ra rất lớn, các doanh nghiệp nhà nước có vai trò then chốt, thiết yếu, dẫn dắt các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Cuộc họp nhằm nghe các ý kiến đóng góp thiết thực nhất của của đại diện chủ sở hữu, tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại Nhà nước đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 5 nội dung để đóng góp cho dự thảo Luật nêu trên. Một là, thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hay chưa để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp Nhà nước như về trình tự, thủ tục, vấn đề tài chính với sáp nhập công ty con vào công ty mẹ; vấn đề chuyển giao tài sản; vấn đề kiểm tra tài sản…
Hai là, thảo luận về vấn đề phân cấp, phân quyền và quản lý về nội dung này. Ba là, thảo luận những vấn đề vấn đề để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo đúng mục tiêu, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển… trong dự thảo đã đạt yêu cầu hay chưa. Bốn là, vấn đề Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm là cải cách hành chính, vấn đề đầu tư, mua sắm... Năm là, thảo luận về dự thảo Luật đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo hệ thống pháp luật hay chưa.
Theo Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Cảnh Việt, các ý kiến tham gia đều nhất trí với các quan điểm xây dựng Luật được nêu tại dự thảo Tờ trình Chính phủ. Cụ thể là các quan điểm: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước thực hiện vai trò là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp; Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đóng góp ý kiến (Ảnh: VGP) |
Tại cuộc làm việc, đại diện các đơn vị đã tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nêu các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thảo luận những nội dung còn có quan điểm khác và đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cảm ơn các ý kiến phát biểu trách nhiệm của đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Qua ý kiến đóng góp tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp tổng hợp ý kiến đóng góp, báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật tiếp thu các góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật, bổ sung những điểm mới, bỏ những điểm còn hạn chế. Việc hoàn thiện dự thảo Luật có mục tiêu để các doanh nghiệp phát triển hơn nữa; tăng phân cấp, phân quyền; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thể hiện đúng vai trò then chốt, chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ