Nhu cầu trung tâm dữ liệu gia tăng
Đầu tuần qua, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Worldwide DC Solution - nhà phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Singapore, với dự án trung tâm dữ liệu quy mô 70 triệu USD - mức vốn đầu tư cao nhất tại khu công nghệ cao này trong năm 2021.
Với mục tiêu cung cấp các dịch vụ cho thuê máy chủ, tủ mạng, quản lý trung tâm dữ liệu… tại thị trường Việt Nam, Worldwide DC Solution sẽ phát triển dự án mang tên Trung tâm Dữ liệu 1Hub đặt tại tòa nhà Tower 7 của Khu phức hợp OneHub Saigon với tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến trên 18.000 m2. Ông Hoàng Long, Tổng giám đốc Trung tâm Dữ liệu 1Hub cho biết, theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2025, phục vụ các lĩnh vực dịch vụ tài chính công nghệ, kinh tế số...
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, Tập đoàn Infracrowd Capital cũng đến từ Singapore cùng với Công ty cổ phần Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus tại Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD, dự kiến đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024.
Thực tế, lĩnh vực trung tâm dữ liệu (data center) không chỉ có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, mà nhiều năm nay, các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn trong nước cũng đã liên tục xây dựng và đưa vào vận hành nhiều trung tâm dữ liệu lớn, trong đó phải kể đến Viettel IDC - doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần data center lớn nhất Việt Nam, khi đã đưa vào vận hành 5 trung tâm dữ liệu trên cả nước với tổng diện tích 25.000 m2. Trong đó, lớn nhất là trung tâm dữ liệu đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) có diện tích 6.500 m2 với 1.200 tủ mạng (tương đương 48.000 máy chủ vật lý và 48.000 máy chủ cloud).
Tương tự, Tập đoàn FPT cũng đã đưa vào vận hành 4 trung tâm dữ liệu lớn đặt tại TP.HCM và Hà Nội, đáng kể nhất là trung tâm dữ liệu đặt tại Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức (TP.HCM) với tổng đầu tư khoảng 200 tỷ đồng trên diện tích 10.000 m2 và cung cấp 3.600 tủ chứa các thiết bị mạng.
Không khó để thấy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, việc phát triển các trung tâm dữ liệu là xu hướng tất yếu và bệnh dịch Covid-19 như là chất xúc tác thúc đẩy xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn. Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho biết, giá trị thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã đạt 858 triệu USD vào năm 2020, tăng 130 triệu USD so với mức 728 triệu USD của năm 2019, đồng thời được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,64%/năm cho đến năm 2026.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Aprice, một star-up trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, nhu cầu thuê trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, sức khỏe, bán lẻ và tư vấn là rất lớn. Theo ông Tuấn, thay vì tự đầu tư máy chủ tốn kém nhiều chi phí, những doanh nghiệp này có xu hướng chuyển dịch dữ liệu sang các giải pháp điện toán đám mây, từ đó thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu gia tăng.
“Dữ liệu trong ngành bán lẻ rất lớn, bao gồm thông tin về khách hàng, sản phẩm, hành vi tiêu dùng, thị trường, tư vấn… Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, doanh nghiệp thường xuyên làm việc online, họp trực tuyến, giao dịch điện tử…, nên nhu cầu trung tâm dữ liệu càng lớn. Vì vậy, việc có thêm các trung tâm dữ liệu chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng cần thiết”, ông Tuấn nói.
Địa điểm đặt trung tâm dữ liệu thường có diện tích lớn. Ảnh: Lê Toàn |
Bất động sản cho thuê thêm cơ hội
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, sự bùng nổ của thương mại điện tử, thói quen mua sắm trực tuyến cũng như sự gia tăng sử dụng các phương tiện giải trí trực tuyến trong mùa dịch đã kéo nhu cầu lưu trữ thông tin, dữ liệu tăng mạnh, dẫn tới sự tăng trưởng rõ nét của lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Hiện tại, các hệ thống trung tâm dữ liệu có định dạng và kích thước đa dạng, từ trung tâm quy mô lớn với hàng ngàn thiết bị cho đến trung tâm quy mô nhỏ chỉ vài chục thiết bị, cung cấp diện tích lưu trữ từ xa. Đặc biệt, mỗi quy mô lại có mục đích khác nhau, lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau và yêu cầu hệ thống vận hành, chiến lược vận hành chuyên biệt. Do vậy, yêu cầu về vị trí đặt trung tâm dữ liệu phụ thuộc vào nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Công ty Quản lý và vận hành bất động sản JLL cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư công nghệ và viễn thông đến từ châu Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản có nhu cầu thuê đất hoặc thuê tòa nhà để xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế bậc 3, 4 với diện tích từ 10.000 - 30.000 m2 xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, trung tâm dữ liệu là một phần tất yếu của mọi loại hình kinh doanh, đây là dạng dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng để đặt máy chủ nhằm lưu trữ, phân tích dữ liệu, xử lý, truyền tải các dịch vụ kỹ thuật số và nhiều hơn nữa. Dịch vụ này được phân loại thành 4 bậc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm về ưu điểm của bất động sản trung tâm dữ liệu, bà Trang cho hay, hợp đồng thuê trung tâm dữ liệu hầu hết là hợp đồng dài hạn và nhu cầu thuê ít bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ như bất động sản cho thuê truyền thống, điều này giúp chủ đầu tư hưởng lợi ích ổn định và lâu dài hơn, chưa kể lợi nhuận từ việc chào bán bất động sản trung tâm dữ liệu có xu hướng tăng cao hơn so với các sản phẩm bất động sản cho thuê truyền thống khác. Minh chứng là, trong khi hoạt động ủy thác đầu tư bất động sản nói chung đã giảm 12% trong năm 2021, thì hoạt động tín thác đầu tư bất động sản trung tâm dữ liệu đã tăng trung bình 25% so với những năm trước.
“Đây là loại hình bất động sản có tiềm năng tăng trưởng tốt, có thể giúp các chủ đầu tư cải thiện hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh bất động sản cho thuê truyền thống gặp khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay”, bà Trang nói, đồng thời nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa tài sản và trung tâm dữ liệu là một cơ hội hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong kỷ nguyên Zettabyte ngày nay.
Nguồn: Tapchichungkhoanvietnam.vn